Giáo trình Ngắn mạch trong hệ thống điện [PGS Lê Kim Hùng]
Chế độ của hệ thống điện thay đổi đột ngột sẽ làm phát sinh quá trình quá độ điện từ, trong đó quá trình phát sinh do ngắn mạch là nguy hiểm nhất. Để tính chọn các thiết bị điện và bảo vệ rơle cần phải xét đến quá trình quá độ khi:
- Ngắn mạch.
- Ngắn mạch kèm theo đứt dây.
- Cắt ngắn mạch bằng máy cắt điện.
Khi xảy ra ngắn mạch, tổng trở của hệ thống điện giảm, làm dòng điện tăng lên, điện áp giảm xuống. Nếu không nhanh chóng cô lập điểm ngắn mạch thì hệ thống sẽ chuyển sang chế độ ngắn mạch duy trì (xác lập). Từ lúc xảy ra ngắn mạch cho đến khi cắt nó ra, trong hệ thống điện xảy ra quá trình quá độ làm thay đổi dòng và áp. Dòng trong quá trình quá độ thường gồm 2 thành phần: chu kỳ và không chu kỳ. Trường hợp hệ thống có đường dây truyền tải điện áp từ 330 KV trở lên thì trong dòng ngắn mạch ngoài thành phần tần số cơ bản còn các thành phần sóng hài bậc cao. Nếu đường dây có tụ bù dọc sẽ có thêm thành phần sóng hài bậc thấp. Nhiệm vụ của môn học ngắn mạch là nghiên cứu diễn tiến của quá trình ngắn mạch trong hệ thống điện, đồng thời xét đến các phương pháp thực dụng tính toán ngắn mạch.
Giáo trình gồm các chương:
- Chương 1: Khái niệm về quá trình quá độ điện từ
- Chương 2: Các chỉ dẫn khi tính toán ngắn mạch
- Chương 3: Quá trình quá độ trong mạch điện đơn giản
- Chương 4: Tình trạng ngắn mạch duy trì
- Chương 5: Quá trình quá độ trong máy điện
- Chương 6: Các phương pháp tính toán ngắn mạch
- Chương 7: Ngắn mạch không đối xứng