
TCVN 7447-1:2010 Hệ thống lắp đặt điện hạ áp - Phần 1 : Nguyên tắc cơ bản, đánh giá các đặc tính chung, định nghĩa
Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này đưa ra qui tắc thiết kế, lắp đặt và kiểm tra hệ thống lắp đặt điện. Các qui tắc này nhằm đảm bảo an toàn cho người, vật nuôi và tài sản khỏi các nguy hiểm hoặc thiệt hại có thể xuất hiện trong sử dụng hợp lý hệ thống lắp đặt điện và để đảm bảo hoạt động đúng của các hệ thống lắp đặt này.
Tiêu chuẩn này áp dụng để thiết kế, lắp đặt và kiểm tra hệ thống lắp đặt điện của:
a) công trình nhà ở;
b) công trình thương mại;
c) công trình công cộng;
d) công trình công nghiệp;
e) công trình nông nghiệp và làm vườn;
f) tòa nhà tiền chế;
g) nhà ở lưu động, khu vực nhà lưu động và các nơi tương tự;
h) công trường xây dựng, khu triển lãm, hội chợ và các hệ thống lắp đặt tạm thời khác;
i) bến du thuyền và du thuyền;
j) hệ thống chiếu sáng bên ngoài và các hệ thống lắp đặt tương tự (tuy nhiên xem 11.3e));
k) các khu vực liên quan đến y tế;
l) khối di động hoặc vận chuyển được;
m) hệ thống quang điện;
n) tổ máy phát điện hạ áp.
CHÚ THÍCH “Công trình” bao gồm cả đất và tất cả các trang thiết bị kể cả tòa nhà nằm trong công trình.
Tiêu chuẩn này đề cập đến:
a) mạch điện được cấp nguồn ở điện áp danh nghĩa đến và bằng 1000V xoay chiều hoặc 1500 V một chiều;
Đối với điện xoay chiều, tần số ưu tiên mà tiêu chuẩn này xét đến là 50Hz, 60 Hz và 400 Hz. Không loại trừ việc sử dụng các tần số khác vào mục đích đặc biệt.
b) mạch điện, không phải là hệ thống đi dây bên trong các thiết bị, làm việc ở điện áp vượt quá 1000 V và được lấy điện từ hệ thống lắp đặt có điện áp không vượt quá 1000 V xoay chiều, ví dụ chiếu sáng kiểu phóng điện, các bộ lọc tĩnh điện;
c) tất cả các hệ thống đi dây và cáp không được qui định riêng trong các tiêu chuẩn của thiết bị;
d) tất cả các hệ thống lắp đặt của hộ tiêu thụ nằm bên ngoài công trình;
e) hệ thống đi dây cố định dùng cho công nghệ thông tin và viễn thông, báo hiệu, điều khiển và các hệ thống tương tự (không kể hệ thống đi dây bên trong thiết bi;
f) phần mở rộng hoặc thay đổi của hệ thống lắp đặt cũng như các bộ phận của hệ thống lắp đặt hiện có, chịu ảnh hưởng của việc mở rộng hoặc thay đổi này.
CHÚ THÍCH: Qui tắc của tiêu chuẩn này nhằm áp dụng cho hệ thống lắp đặt điện nói chung nhưng, trong một số trường hợp nhất định, chúng có thể cần thêm một số yêu cầu hoặc khuyến cáo của các tiêu chuẩn IEC khác (ví dụ đối với hệ thống lắp đặt điện trong khí quyển dễ cháy nổ).
Tiêu chuẩn này không áp dụng cho:
a) thiết bị kéo bằng điện, kể cả đầu máy xe điện và thiết bị báo hiệu;
b) thiết bị điện của phương tiện giao thông có động cơ điện, ngoại trừ các thiết bị được đề cập trong Phần 7;
c) hệ thống lắp đặt điện trên tàu thủy, trên các giàn khoan cố định và di động ngoài khơi;
d) hệ thống lắp đặt điện trong máy bay;
e) hệ thống lắp đặt chiếu sáng đường phố công cộng là một phần của lưới điện công cộng;
f) hệ thống lắp đặt trong hầm lò và mỏ lộ thiên;
g) thiết bị triệt nhiễu tần số rađiô, nếu thiết bị này không ảnh hưởng đến an toàn của hệ thống lắp đặt;
h) hàng rào điện;
i) hệ thống bảo vệ chống sét bên ngoài công trình (LPS);
CHÚ THÍCH Tiêu chuẩn này tuy có đề cập đến hiện tượng khí quyển nhưng chỉ trong phạm vi có ảnh hưởng đến hệ thống lắp đặt điện (ví dụ liên quan đến việc lựa chọn các bộ chống sét).
j) một số khía cạnh của hệ thống lắp đặt thang máy;
k) thiết bị điện của máy móc.
Tiêu chuẩn này không thích hợp để áp dụng cho:
– hệ thống phân phối điện công cộng, hoặc
– phát điện và truyền tải điện cho các hệ thống này.